Bao bì và vai trò của nó trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại

Lịch sử bao bì hàng hoá và khái niệm bao bì hàng hoá 

 
Xét về lịch sử của bao bì hàng hoá, nhiều nhà nghiên cứu đã có những phát kiến thật thú vị. Từ thời cổ đại, người ta đã biết dùng những lá cây (như lá cây bầu, cây bí và các cây tương tự) làm vật bao gói những sản phẩm khác. Đó là những bao bì đầu tiên trong lịch sử. Dần dần, do yêu cầu của cuộc sống, sản xuất và trao đổi san phẩm, người ta đã biết sử dụng các loại vỏ cây, các loại da thú để làm những chiếc giỏ để đựng hàng, vận chuyển trái cây, các thứ kiếm được từ rừng mang về nơi trú ẩn của mình, từ nơi này sang nơi khác. Những chiếc giỏ bằng vỏ cây, da thú được sử dụng như những phương tiện chứa đựng, vận chuyển và bảo quản sản phẩm của họ trong điều kiện nhất định. Tuy nhiên, với những chất liệu từ vỏ cây, da thú, khả năng chứa đựng và vận chuyển sản phẩm được chú trọng hơn khả năng bảo quản sản phẩm.
 
Một khi các loại bao bì đó đã bị thải loại do bị vỡ, rách hoặc tổn thất thì khả năng tái sử dụng bị hạn chế. Người ta đã nghĩ đến những loại vật liệu khác để chế tạo ra những bao bì có khả năng bảo quản sản phẩm tốt hơn và có thể sử dụng lại được. Các loại bao bì bằng gốm sứ thuỷ tinh đã bắt đầu xuất hiện. Tám ngàn năm trước, người Trung Quốc đã biết tạo ra những chiếc bình gốm để chứa đựng và bảo quản các sản phẩm dạng lỏng, dạng rắn rời. Các loại bao bì làm từ đất khi bị đổ vỡ dễ dàng bị thải loại và không thể dùng lại được. Nhưng với điều kiện kinh tế lúc đó, loại bao bì này đã phát huy được tác dụng nhất định. Các loại bao bì này đã tồn tại trong quá khứ và ngày nay chúng ta vẫn thấy ở những nước nghèo và một số nước đang phát triển. Các loại bao bì từ gốm không gây ô nhiễm, không gây nguy hiểm, độc hại cho nước, không khí và môi trường nói chung.
 
Bao bì bằng thuỷ tinh đã xuất hiện để giải quyết một số khuyết tật của bao bì bằng gốm. Trước đây, bốn đến sáu ngàn năm, các loại chai lọ thuỷ tinh đã được sử dụng ở Ai Cập. Những bao bì này được sản xuất bằng phương pháp thủ công đơn giản. Chai lọ thuỷ tinh có thể sử dụng đa dạng hơn và được giữ lại để tái sử dụng cho đến khi bị vỡ. Chúng có khả năng tái sinh do có khả năng thu hồi và lập lại công nghệ “chế biến” chai lọ thuỷ tinh mới. Nhưng viêc tái sinh lại cũng gặp những khó khăn bởi sự thu hồi từ phía người tiêu dùng, việc sử dụng công nghệ “tái sinh” gây ô nhiễm không khí. Những chai lọ thuỷ tinh không được thu hồi đã gây ra tác hại với môi trường đất. Bao bì bằng thuỷ tinh ngày nay đã được sản xuất bằng công nghệ mới, tiên tiến. Hình thức, kiểu dáng, chủng loại ngày càng phong phú, đa dạng, vừa có chất lượng cao vừa có tính mỹ thuật.
Công nghiệp bao bì liên tục được phát triển. Các loại vật liệu bao bì luôn được nghiên cứu, công nghệ mới để sản xuất bao bì cũng ngày càng được áp dụng rộng rãi nhằm đảm bảo cho sản phẩm bao bì đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và trao đổi hàng hoá.
 
Bao bì bằng chất liệu giấy đã ra đời ở Trung Quốc vào khoảng vài ba ngàn năm trước. Loại bao bì này có khả năng thu hồi, tái chế và thuận tiện trong lưu thông. Công nghệ sản xuất bao bì giấy được nhiều nước đang phát triển áp dụng và ngày càng được hoàn thiện.
 
Bao bì hàng hoá đang trong quá trình phát triển liên tục từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp. Từ thuở sơ khai, bao bì được làm bằng các phương pháp thủ công, khối lượng nhỏ và quy cách đơn giản, với tác dụng chủ yếu để chứa đựng, vận chuyển. Đến ngày nay, công nghệ sản xuất hiện đại, chất liệu bao bì đa dạng, quy cách, mẫu mã, kiểu dáng phong phú, khối lượng vô cùng lớn. Công dụng của bao bì đã được mở rộng trong cả lĩnh vực bảo quản, vận chuyển, thương mại...
 
Nhìn lại lịch sử của bao bì để có nhận thức đầy đủ hơn sự phát triển các chức năng bao bì, định hướng trong sản xuất, trong sử dụng và quản lý bao bì tốt hơn, đáp ứng được các yêu cầu của bao bì trong sản xuất lưu thông và vấn đề môi trường.
 
Khái niệm về bao bì
 
Trong nền kinh tế hàng hoá, sản xuất và kinh doanh theo cơ chế thị trường, bao bì hàng hoá trở thành một vấn đề được nhiều nhà sản xuất kinh doanh thương mại quan tâm bởi vì bao bì tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
Chúng ta đều biết rằng, tất cả các ngành công nghiệp (trừ ngành khai thác than, khoáng sản, ngành xây dựng cơ bản) mọi sản phẩm của họ đều phải dùng một loại bao bì nào đó để bao gói, chứa đựng, bảo quản và vận chuyển sản phẩm của mình. Nhưng hiểu thống nhất về bao bì hàng hoá thì chưa có một khái niệm nào được đề cập. Mỗi góc độ xem xét của mỗi nhà sản xuất, kinh doanh có quan niệm khác nhau về bao bì.
 
Theo các nhà sản xuất thì bao bì được xem là phương tiện thể hiện sản phẩm, là “cái ưu việt nhất” trưng bày về kiểu dáng, mẫu mã, là phương tiện thông báo tốt nhất về phẩm chất và tính sáng tạo... bao bì là bộ phận hợp thành sản phẩm hoàn chỉnh. ở đây, các nhà sản xuất nhấn mạnh vai trò thể hiện của bao bì đối với sản phẩm của họ. Không có bao bì hàng hoá, sản phẩm sẽ không được nhận biết cụ thể và chi tiết. Đặc biệt trong nền sản xuất hàng hoá, giá trị sử dụng cơ bản của sản phẩm phải được xã hội thừa nhận, sản phẩm phải được cọ xát trên thị trường và phải được trở thành sản phẩm thực sự tức là phải được tiêu dùng.
 
Bao bì hợp thành sản phẩm hoàn chỉnh trong cơ cấu hợp lý với sản phẩm cơ bản (giá trị sử dụng cụ thể). Nhà sản xuất quan tâm đến “phương tiện biểu hiện” và chi phí bao bì khi sử dụng bao bì trong hoạt động thương mại.
 
Theo các nhà kinh tế, bao bì được xem xét một cách toàn diện hơn. Người ta nghiên cứu bao bì gắn liền với quá trình lưu thông hàng hoá và các yếu tố chi phí liên quan đến quá trình đó. Bao bì là những biện pháp kinh tế mang lại cho sản phẩm sự thể hiện, sự bảo vệ, sự nhận biết thông tin, sự chứa đựng, thuận tiện cho người tiêu dùng.
ở đây, bao bì được xem xét trong toàn bộ quá trình quản lý sản phẩm đi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Quá trình đó diễn ra theo trật tự nhất định: từ lưu kho thành phẩm (lưu bãi) đến vận chuyển, trưng bày, sử dụng. Sản phẩm được đóng gói trong bao bì sẽ bị tác động của nhiều yếu tố trong mỗi khâu của quá trình vận động sản phẩm.
 
Bao bì có thể được hiểu:
- Là nghệ thuật, là khoa học và kỹ thuật công nghệ.
- Là phương tiện để đảm bảo cho sản phẩm được an toàn về số lượng, chất lượng từ người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng với chi phí thấp nhất, trong điều kiện tối ưu.
- Là nguyên tắc về thực hiện công việc chuẩn bị hàng hoá một cách kinh tế nhất để vận chuyển, lưu kho, sử dụng, trưng bày hàng hoá.
 
Quan niệm bao bì ở đây đã đề cập đến các yếu tố của sản xuất bao bì, sử dụng bao bì sao cho có hiệu quả nhất. Mục đích của bao bì đã được xác định trong mỗi khâu của quá trình vận động hàng hoá. Sử dụng bao bì gắn liền với thực hiện nghiệp vụ bao gói hàng hoá, những nội dung cơ bản của nghiệp vụ bao bì. Bao bì được coi như chiếc chìa khoá để phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá thông qua việc cung cấp những phương tiện để bảo vệ, chứa đựng, giữ gìn sản phẩm và cho phép sản phẩm được lưu thông đến khắp nơi trên thế giới. Do đó nó như một yếu tố để phát triển kinh tế.
 
Các nhà nghiên cứu về bao bì lại có quan niệm bao bì dưới một góc độ khác. Các tác giả xem xét bao bì trên cơ sở nhấn mạnh chức năng của nó. Bao bì là loại sản phẩm dùng để “bao gói và chứa đựng sản phẩm khác”.
 
Như vậy, bất kể sản phẩm nào dùng để bao gói chứa đựng sản phẩm khác đều là bao bì. Nhấn mạnh chức năng của bao bì để định hướng trong sản xuất bao bì phù hợp với tính chất kỹ thuật của sản phẩm, với những công nghệ thích hợp.
 
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, sản phẩm không phải sản xuất ra chỉ để tiêu dùng mà phải được trao đổi, lưu thông. Do đó, bao bì phải là điều kiện để vận chuyển sản phẩm bảo quản sản phẩm từ nơi này sang nơi khác. Bao bì phải giúp cho người tiêu dùng nhận biết sản phẩm để lựa chọn, biết cách sử dụng các sản phẩm chứa đựng trong bao bì. ở góc độ này, người ta lại nhấn mạnh tác dụng của bao bì trong lưu thông sử dụng sản phẩm.
 
Bao bì gắn với sản phẩm nhưng người sử dụng không sử dụng hoặc có thể sử dụng bao bì chứa đựng những sản phẩm mà họ mua cho một mục đích nào đó. Giá trị bao bì gắn với giá trị sản phẩm. Việc chi phí một số tiền nhất định để tiêu dùng một sản phẩm nào đó có phần chi phí cho bao bì hàng hoá. Hơn nữa đối với bao bì không sử dụng khi tiêu dùng sản phẩm, bao bì sẽ bị thải loại gây ra các loại rác thải cho môi trường. Vì thế, vấn đề đặt ra cần phải có quan niệm khácvề bao bì sao cho nó vừa đảm bảo được lợi ích kinh tế của người tiêu dùng, người kinh doanh, vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường. Bao bì là loại sản phẩm cần được xem xét ở nhiều lĩnh vực khác nhau cả trong khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng và cả trong lĩnh vực môi trường. Theo Gerald K.Townshend bao bì theo nghĩa rộng là một nhân tố quan trọng bằng cách này hay cách khác hợp với các hoạt động kinh tế, kỹ thuật, xã hội thành một thể thống nhất. Rõ ràng bao bì được quan niệm một cách rộng lớn hơn, toàn diện hơn.
 
Như trên đã phân tích, dù có những quan niệm khác nhau về bao bì hàng hoá song các khái niệm trên đều có những điểm thống nhất về chức năng, vai trò của bao bì, tuy về phạm vi, tác dụng của mỗi khái niệm có những giới hạn khác nhau do nhìn nhận những chức năng của bao bì có khác nhau. Từ đó có thể đi đến một khái niệm về bao bì: bao bì là một sản phẩm đặc biệt dùng để bao gói, chứa đựng các loại sản phẩm khác nhằm bảo vệ giá trị sử dụng của các sản phẩn đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo quản, vận chuyển, xếp dỡ, tiêu thụ và tiêu dùng sản phẩm, đảm bảo an toàn môi trường. Khái niệm này đã làm rõ:
- Thực chất bao bì cũng là một sản phẩm, là một hàng hoá đặc biệt được sản xuất theo một công nghệ nhất định. Nó bao hàm cả tính kỹ thuật, nghệ thuật, mỹ thuật. Đây là cơ sở cho sự phát triển của ngành công nghiệp bao bì hiện nay.
- Nêu rõ được chức năng của bao bì.
- Phản ánh được ý nghĩa kinh tế, xã hội của sản phẩm bao bì trong phạm vi nền kinh tế.
Khái niệm này cũng nhấn mạnh muốn có một sản phẩm bao bì tối ưu và vấn đề sử dụng hiệu quả bao bì cần có sự kết hợp nhiều phía, từ các nhà sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và cả các nhà quản lý, môi trường.

 

Chức năng của bao bì

 
Theo quan niệm truyền thống, bao bì được xem là “vật bảo vệ sản phẩm” và thực hiện các chức năng của nó. Đứng ở góc độ thị trường, bao bì có ba chức năng cơ bản. Đó là: chức năng chứa đựng, bảo quản, bảo vệ hàng hoá trong quá trình lưu thông; chức năng nhận biết (thông tin); chức năng thương mại. Đây là các chức năng làm cho bao bì trở thành một công cụ quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hoá trên thị trường.
 
Chức năng chứa đựng, bảo quản và bảo vệ hàng hoá trong quá trình lưu thông
 
Hầu hết các sản phẩm khi sản xuất ra đều phải có bao bì, bao gói và chứa đựng, trừ sản phẩm của ngành khai khoáng (than, khoáng sản), ngành xây dựng cơ bản. Các sản phẩm khác đều phải được chứa đựng bằng phương tiện nào đó để thự hiện quá trình lưu thông từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Bao bì ra đời để phục vụ cho yêu cầu đó. Chức năng này của bao bì đã xuất hiện từ thời cổ đại. Với những chất liệu đơn giản từ da thú với hình dáng đơn sơ của bao bì như các loại lá cây, vỏ cây, đồ gốm... bao bì đã thể hiện được chức năng cơ bản này và đã giúp cho con người chứa đựng vận chuyển những sản phẩm của họ kiếm được và sản xuất ra từ nơi này đến nơi khác.
 
Bao bì giữ gìn giá trị sử dụng của sản phẩm tức là bảo vệ cho hàng hoá chống lại các tác động có hại của môi trường và các tác động khác trong thời gian lưu kho chuyên chở, bốc xếp và cả trong khâu tiêu dùng .
 
Bao bì giữ gìn cho hàng hoá khỏi bị hao hụt, mất mát về số lượng, chất lượng trong quá trình bảo quản, phân phối, lưu thông và cả mất mát do con người gây ra. Bao bì ngăn cản sự tác động của các yếu tố khí hậu thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm) các vật gặm nhấm, nấm mốc, các yếu tố cơ học làm ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng, giá trị sử dụng của hàng hoá mà bao bì chứa đựng. Tức là bao bì bảo vệ sản phẩm hàng hoá trên cả bốn mặt: cơ học, khí hậu, sinh vật học và hoá học, đảm bảo an toàn cho hàng hoá trong suốt quá trình lưu thông và ngay cả trong khâu sử dụng.
 
Chức năng nhận biết (thông tin)
 
Người tiêu dùng thông qua sự thể hiện bên ngoài của bao bì như hình dáng bao gói, các phương pháp in ấn, trang trí nhãn hiệu để nhận biết, phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác; sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác giúp cho khách hàng dễ dàng lựa chọn đúng sản phẩm mà họ yêu cầu. Bao bì tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm là yếu tố cơ bản để “cá biệt hoá” sản phẩm.
Màu sắc và các hình thức trang trí của bao bì là hiệu lệnh đầu tiên đối với người mua. Đặc biệt với nghệ thuật trình bày hàng hoá theo kiểu đối lập để làm nổi bật các loại hàng hoá khác nhau. Bao bì hàng hoá tạo ta một sự nhận biết nhanh chóng đối với khách hàng. Những thông tin trên bao bì ngoài các thông tin cần thiết để nhận biết sản phẩm còn có các thông tin thể hiện về mặt luật lệ, các thông tin cho người sử dụng sản phẩm. Chẳng hạn các thông tin hướng dẫn về điều kiện lưu kho, hướng dẫn lắp đặt, vận chuyển, sử dụng, thời hạn sử dụng tốt nhất của sản phẩm; số, mã hiệu của kiện hàng, các điều kiện phòng ngừa (tránh nắng, mưa, dễ vỡ...); các thông tin về số lượng, chất lượng giúp cho khách hàng lượng hoá được lợi ích của mình khi quyết định mua hàng.
 
Chức năng thương mại: Chức năng này thể hiện qua các nội dung về khả năng quảng cáo, thu hút, kích thích, tính thẩm mỹ, hợp lý hoá, sự tiện lợi của bao bì
 
Các thông tin đầy đủ, sinh động, rõ ràng, ngắn gọn, dễ ghi nhớ của bao bì sẽ cuốn hút người mua hơn, tạo sự hứng thú quan tâm, chú ý, sự quảng bá của sản phẩm.
 
Bao bì là phương tiện chuyển giao thông tin từ phía người bán hàng cho người mua hàng. Khả năng quảng cáo của bao bì đã được phát huy mạnh mẽ trong các siêu thị. Bao bì đóng vai trò như người bán hàng thầm lặng trong phương thức bán tự phục vụ và tự lựa chọn. Bao bì là hiện thân của hàng hoá khi nó tạo ra được những ấn tượng tốt, khó quên, đầy thiện cảm trong tâm trí người mua thông qua chức năng thể hiện (nhận biết thông tin, quảng cáo) của bao bì.
 
Chức năng này của bao bì còn được thể hiện ở việc bao gói hàng hoá thành những đơn vị bao gói thích hợp cho việc chuyên chở, bốc xếp, sử dụng hàng hoá và sử dụng bao bì (tháo, mở). Tức là bao bì đóng gói sẽ tập trung hàng hoá thành những đơn vị sử dụng, đơn vị buôn bán, đơn vị vận chuyển hợp lý với từng điều kiện tiêu dùng và phân phối, lưư thông. Bao bì được thiết kế với những kiểu dáng, kích thước, sức chứa thích hợp sẽ “hợp lý hoá” được các khâu trong quá trình vận động của sản phẩm hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng và ngay cả trong khâu tiêu dùng sản phẩm chứa đựng trong bao bì; cả trong trường hợp bán buôn lẫn bán lẻ. Chức năng thương mại tạo điều kiện tăng năng suất trong khâu giao nhận, vận chuyển, bốc dỡ, thuận tiện cho việc sử dụng sản phẩm chứa đựng trong bao bì và sử dụng có hiệu quả lượng sản phẩm được bao gói, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Một vật chứa đựng thực hiện một hoặc nhiều chức năng trên có thể được xem là bao bì sản phẩm. Chính những chức năng này của bao bì đã làm cho bao bì trở thành loại sản phẩm đặc biệt trong cơ cấu sản phẩm của nền kinh tế quốc dân, có ảnh hưởng to lớn đến hiệu quả hoạt động của các DNTM.

 

Phân loại bao bì hàng hoá [13] [36]

 
Trong kinh doanh thương mại, việc lựa chọn các loại bao bì thích hợp với từng phương thức kinh doanh, từng thị trường, từng loại hàng hoá có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Một sản phẩm hàng hoá tốt chưa chắc đã bán được khi nó không được bao gói phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, những áp lực môi trường đang đặt ra vấn đề cấp bách với các rác thải bao bì trong quá trình tái sản xuất. Một bao bì tốt gắn liền với loại sản phẩm tốt. Theo nghĩa rộng, chất lượng sản phẩm chính là thể hiện sự thoả mãn tối ưu các nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội. Bao bì gắn liền với hàng hoá và cũng gắn liền với vấn đề môi sinh. Chính vì vậy, trong mọi hoạt động kinh doanh cần biết chọn đúng loại bao bì cần thiết. Việc lựa chọn các loại bao bì thích hợp được dựa trên cơ sở phân loại các loại bao bì. Với những góc độ khác nhau, nhằm vào các mục đích khác nhau mà có thể phân chia bao bì theo các tiêu thức khác nhau.
 
ở nhiều nước trên thế giới có ngành công nghiệp bao bì phát triển, người ta phân loại bao bì chủ yếu theo hai tiêu thức là theo vật liệu chế tạo và theo mục đích, tác dụng của bao bì đối với sản phẩm và lưu thông sản phẩm. Ví dụ: ở Ixraen, bao bì hàng hoá được chia theo vật liệu chế tạo. Theo đó bao bì được phân loại thành: bao bì chất dẻo, bao bì giấy và carton; bao bì bằng sắt tây và nhôm, bao bì thuỷ tinh và các loại khác (chủ yếu là gỗ). ở Đức, Hà Lan, bao bì được phân loại theo hai tiêu thức cơ bản: Tiêu thức 1: Phân loại bao bì theo vật liệu chế tạo bao gồm bao bì thuỷ tinh, sắt thép, nhôm, chất dẻo, vật liệu hỗn hợp (chủ yếu là carton); tiêu thức 2: Phân loại theo mục đích sử dụng, bao gồm: Bao bì thương phẩm (gồm túi, hộp, chai lọ, giỏ), bao bì ngoài (thứ hai) – bao bì trung gian (dùng để quảng cáo), bao bì vận chuyển (thứ ba) gồm hòm, bao...
 
ở nước ta, với những mục đích nghiên cứu khác nhau, bao bì được phân loại theo các tiêu thức :
 
a. Theo tiêu thức công dụng: bao bì được chia làm hai loại:
- Bao bì trong: loại bao bì này dùng để đóng gói hàng hoá, nó trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm, thường được bán cùng sản phẩm. Do đó, giá trị của nó được cộng luôn vào giá trị sản phẩm đem bán.
- Bao bì ngoài (hay bao bì vận chuyển): loại này có tác dụng bảo vệ nguyên vẹn số lượng và chất lượng sản phẩm, phục vụ cho việc chuyên chở sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Tuỳ theo loại bao bì có thể thu hồi hay không mà giá trị của nó được tính ngay hoặc tính từng phần vào giá trị của sản phẩm tiêu thụ.
 
b. Theo số lần sử dụng: bao bì được chia làm hai loại:
- Bao bì sử dụng một lần: đây là loại bao bì được “tiêu dùng”cùng với sản phẩm, chỉ phục vụ cho một lần lưu chuyển của sản phẩm từ khi sản phẩm được sản xuất ra đến khi sản phẩm được tiêu dùng trực tiếp. Do đó giá trị của nó được tính hết vào giá trị của sản phẩm.
- Bao bì sử dụng nhiều lần: loại này có khả năng phục vụ cho một số lần lưu chuyển sản phẩm, tức là có khả năng sử dụng lại. Thường bao gồm các loại bao bì ngoài, bao bì trong, được sản xuất từ các vật liệu bền vững (như kim loại, chất dẻo tổng hợp...). Giá trị của chúng được tính từng phần vào giá trị của sản phẩm tiêu thụ.
 
c. Phân loại theo độ cứng (độ chịu nén): gồm bao bì cứng, bao bì nửa cứng, bao bì mềm.
- Bao bì cứng: có khả năng chịu được các tác động cơ học từ bên ngoài, tải trọng của sản phẩm bên trong, giữ nguyên hình dạng khi thực hiện việc chứa đựng, vận chuyển, xếp dỡ.
- Bao bì nửa cứng: loại này có đầy đủ tính vững chắc khi thực hiện chứa đựng sản phẩm và vận chuyển; tuy nhiên bị giới hạn ở mức độ nhất định. Nó có thể bị biến dạng dưới sức nặng của hàng hoá, tác động sức ép khi chất đống hàng, tác động cơ học (va đập, rung xóc) khi vận chuyển.
- Bao bì mềm: dễ bị biến dạng khi chịu tác động của trọng tải hàng hoá và tác động cơ học từ bên ngoài, dễ thay đổi hình dạng. Tuy nó chịu được tác động, va chạm trong quá trình bốc dỡ vận chuyển, nhưng bao bì loại này lại là phương tiện để truyền các tác động đó vào hàng hoá và thường dùng cho các sản phẩm dạng hạt, bột, không bị ảnh hưởng bởi các tác động cơ học đến chất lượng sản phẩm.
 
d. Phân loại theo mức độ chuyên môn hoá bao bì:
- Bao bì thông dụng; loại bao bì này có thể dùng để chứa đựng nhiều loại sản phẩm khác nhau.
- Bao bì chuyên dùng: chỉ được dùng bao gói, chứa đựng một loại sản phẩm nhất định, thường là các sản phẩm có tính chất lý, hoá học, trạng thái đặc biệt. Ví dụ: các chất khí, hoá chất độc hại, dễ cháy nổ...
 
đ. Phân loại theo vật liệu chế tạo:
Đây là cách phân loại chủ yếu và phổ biến được nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý môi trường quan tâm. Theo tiêu thức này bao bì được mang tên gọi của các loại vật liệu chế tạo ra nó. Bao gồm các nhóm:
- Bao bì gỗ: bao bì gỗ có đặc điểm là dễ sản xuất, dễ sử dụng, có độ bền tương đối cao, có khả năng thu hồi sử dụng lại, vật liệu dễ khai thác. Nhưng loại bao bì này có trọng lượng tương đối nặng, chịu ẩm kém (dễ hút nước), dễ cháy, dễ bị phá hoại bởi các vật gặm nhấm (mối, mọt, chuột...). Bao bì gỗ thường ở dạng hòm, thùng chứa đóng kín hoặc có các kẽ hở nhất định.
- Bao bì bằng kim loại: loại này khắc phục được các nhược điểm của bao bì bằng gỗ nhưng chi phí vật liệu cao, trọng lượng của một số kim loại nặng, do đó thường sử dụng cho các loại sản phẩm đặc biệt: dễ cháy, nổ, dễ bay hơi, chất độc hại, sản phẩm dạng lỏng, ví dụ: xăng, dầu, ôxy, hyđrô khí nén, thuốc trừ sâu... Bao bì kim loại có khả năng sử dụng nhiều lần.
- Bao bì bằng giấy, carton và bìa: đây là loại bao bì phổ biến hiện nay trên thị trường quốc tế và trong nước. Nó chiếm khoảng 70% các loại bao bì sử dụng. Loại bao bì này có các tính chất sau: Về mặt lý học: chống ẩm (bền với nước), chịu xé, chịu gấp và chịu sự va đập (có độ cứng cao); Về hoá học: bền với hoá chất, bền với nhiệt (chịu nóng tốt), bắt lửa kém, chống được côn trùng, vi trùng; Sinh lý học: không mùi, không vị, không độc; Tâm lý học: bề mặt phẳng, dễ in ấn trang trí, dễ sử dụng. Loại này có khả năng thu hồi vật liệu để tiếp tục quá trình sản xuất các loại bao bì hàng hoá khác.
- Bao bì bằng thuỷ tinh, đồ gốm: thường để chứa đựng các sản phẩm dạng lỏng như dược phẩm, hoá chất, rượu bia, nước giải khát... loại này không độc, không phản ứng với hàng hoá, có độ cứng nhất định, nhưng rất dễ vỡ khi bị va chạm, rung xóc trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ.
- Bao bì hàng dệt: vật liệu chủ yếu là các loại sợi đay, gai , vải, sợi nylon. Đây là loại bao bì mềm, thường chứa đựng các loại sản phẩm dạng hạt rời. Loại này có độ bền nhất định, dễ chất xếp nhưng dễ bị côn trùng gặm nhấm và gây bụi bẩn.
- Bao bì bằng mây, nứa, tre đan: bao bì này thường ở các dạng giỏ, lẵng, thúng, rổ. Đây là loại bao bì nửa cứng, nguồn vật liệu dồi dào, sản xuất đơn giản, tiện lợi trong sử dụng. Bao bì này thường để vận chuyển, chứa đựng sản phẩm rau quả và một số sản phẩm khác.
- Bao bì bằng các vật liệu nhân tạo, tổng hợp các loại vật liệu, như các loại bao bì được sản xuất từ chất liệu pôlime, cao su nhân tạo, màng chất dẻo, bao bì nhựa cứng... hoặc kết hợp nhiều loại vật liệu khác để sản xuất ra các loại bao bì đảm bảo được yêu cầu trong bảo quản, vận chuyển sản phẩm.
 
e. Phân loại theo nguồn gốc của bao bì gồm có
  • Bao bì các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất: là loại bao bì dùng để bao gói sản phẩm trong khâu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
  • Bao bì hàng hoá của các DNTM: là loại bao bì chứa đựng hàng hoá chia lô, ghép đồng bộ và vận chuyển hàng hoá trong kinh doanh của DNTM. Ngoài các tiêu thức trên, có thể phân loại bao bì theo các tiêu thức khác như độ thấm nước, mức chất lượng, trọng lượng tương đối của bao bì, theo kiểu dáng hình học...
Tuy cách phân loại bao bì mang tính tương đối nhưng mỗi cách phân loại đều có ý nghĩa nhất định trong việc nghiên cứu sản xuất, sử dụng, quản lý và có những biện để phát huy những chức năng của bao bì đối với nền kinh tế quốc dân và với hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

 

Vai trò của bao bì đối với hoạt động kinh doanh thương m

Trong nền kinh tế hàng hoá, hầu hết các sản phẩm đều phải dùng đến bao bì để bao gói. Việc bao gói hàng hoá không chỉ để chứa đựng sản phẩm mà còn được sử dụng cho nhiều mục đích. Có thể nói chỉ trong điều kiện kinh tế thị trường, bao bì mới phát huy hết các chức năng của nó và nó có vai trò rất to lớn đối với các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại.
 
Bao bì là một trong những phương tiện quan trọng để giữ gìn nguyên vẹn số lượng và chất lượng sản phẩm hàng hoá, giảm mất mát, hao hụt và được coi là một yếu tố trực tiếp thực hiện tiết kiệm lao động xã hội.
 
Sản phẩm hàng hoá sau khi rời khỏi quá trình sản xuất trực tiếp để đi vào tiêu dùng phải trải qua các khâu: lưu kho, phân phối, vận chuyển, xếp dỡ. ở mỗi khâu, hàng hoá đều chịu những tác động khác nhau từ phía môi trường, cơ học, lý học, hoá học. Sản phẩm được bao gói chứa đựng bằng các loại bao bì thích hợp sẽ hỗ trợ cho việc giảm thấp nhất các mất mát, biến chất, hao hụt. Bao bì sẽ tránh cho hàng hoá không bị rơi vãi, tránh được va đập, sức nén, những ảnh hưởng có hại của môi trường bên ngoài như mưa, nắng, nhiệt độ, độ ẩm, bụi bẩn, khí độc, các vật gặm nhấm, côn trùng, xâm hại đến số lượng và chất lượng hàng hoá. Ví dụ; xăng dầu dễ bị bay hơi, sản phẩm rời bị rơi vãi, sản phẩm rau quả, đồ hộp, lương thực sẽ bị côn trùng phá hoại. Mặc dù bao bì chỉ là phương tiện chứa đựng, bảo quản hàng hoá, không được sử dụng cùng hàng hoá, khi đưa sản phẩm vào tiêu dùng các loại bao bì bị thải loại ra nhưng từ lâu, bao bì đã được coi là một bộ phận cấu thành của sản phẩm, hơn thế bao bì là bộ phận không tách rời của hệ thống bảo đảm vững chắc chất lượng sản phẩm.
 
Bao bì đảm bảo cho hàng hoá được an toàn trong các khâu lưu chuyển của nó. Trong lĩnh vực xếp dỡ, vận chuyển, bao bì như một “lớp bảo vệ” vững chắc ngăn cản sự tác động cơ học giữa các bao bì khác nhau (sự chèn, nén, va đập do chất xếp và sự di chuyển của các phương tiện vận tải). Điều đó cũng có nghĩa bao bì góp phần tích cực vào việc ngăn chặn ảnh hưởng có hại đến chất lượng hàng hoá, tránh được đổ vỡ, dập nát, cong vênh các hàng hoá chứa đựng bên trong bao bì. Bao bì hàng hoá bảo vệ và duy trì “sự sống” của sản phẩm.
 
Từ lâu các nhà kinh tế bao bì đã đánh giá: vai trò của bao bì là để bảo quản, bảo vệ hàng hoá, là yếu tố để tiết kiệm của cải xã hội. Hiện nay, ở các nước đang phát triển tỷ lệ hư hại sản phẩm chế biển sẵn và các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác trong toàn bộ khâu phân phối được đánh giá vào khoảng 20 - 25%. Đây là một con số rất lớn và đáng báo động. Nguyên nhân quan trọng nhất gây hư hỏng, thối rữa lương thực, thực phẩm là do sự tấn công của côn trùng, vật gặm nhấm, chim chóc. Khâu mất mát nhiều nhất là khâu lưu kho hay trước khi hàng hoá được vận chuyển từ nhà sản xuất đến nơi tiêu thụ, cảng xuất khẩu. Một nguyên nhân khác gây ra hư hại hàng hoá là do chất lượng bao bì kém, không đảm bảo các yêu cầu của quy phạm chất xếp, độ bền vững thấp. Việc tổ chức đóng gói, tổ chức bốc xếp không hợp lý cũng gây ra những tác động xấu đến công tác bảo quản hàng hoá, phương thức vận chuyển hàng hoá và bao bì không hợp lý đã gây ra hiện tượng sản phẩm bị hư nát là phổ biến.
 
Như vậy, bao bì được xem là một phương tiện quan trọng để thực hiện tiết kiệm của cải xã hội. Tuy nhiên để phát huy vai trò này cần quan tâm đến các khía cạnh kỹ thuật sản xuất (công nghệ, thiết kế, vật liệu), kỹ thuật bao gói (hình thành các đơn vị hàng hoá), kỹ thuật xếp dỡ, vận chuyển để có những bao bì hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhất việc bảo quản, bảo vệ hàng hoá trong suốt quá trình lưu kho và lưu thông sản phẩm.
 
Bao bì tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xếp dỡ, vận chuyển, nâng cao hiệu quả sử dụng của thiết bị xếp dỡ, vận chuyển, công suất chứa đựng của các nhà kho, bến bãi...
 
Một trong những nhân tố quyết định đến việc tăng năng suất lao động trong xếp dỡ, vận chuyển là thực hiện cơ giới hoá các khâu này. Vấn đề bao gói hàng hoá bằng các loại bao bì thích hợp, đặc biệt là bao bì vận chuyển cho phép hình thành các đơn vị hàng hoá phù hợp với các phương tiện xếp dỡ, vận chuyển, kể cả trong trường hợp xếp dỡ vận chuyển thủ công. Sản phẩm có bao gói khi vận chuyển xếp dỡ sẽ thuận tiện hơn nhiều lần so với các sản phẩm chi tiết riêng biệt.
 
Bao bì cho phép tập trung hàng hoá thành các đơn vị sử dụng, đơn vị buôn bán, đơn vị vận chuyển, tạo điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khâu vận chuyển, xếp dỡ và giao nhận.
 
Bao bì hàng hoá được tiêu chuẩn hoá theo đúng quy định cho phép giao nhận, đầy đủ khi kiểm nhận, thuận tiện chính xác trong xác định chất lượng, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu.
 
Kích cỡ bao bì vận chuyển hợp lý tạo cơ hội sử dụng hết công suất của các loại phương tiện chất xếp. Trong lĩnh vực này người ta thường tập trung hàng hoá thành các “đơn vị bốc xếp” để “tiết kiệm” phương tiện vận chuyển. Từ năm 1961 ở các nước đã có khoảng 20 - 30% hàng hoá được tập trung thành đơn vị bốc xếp. Ngày nay con số này đã tăng lên đến 70 - 80% và do đó đã tiết kiệm được khoảng 50% phương tiện vận chuyển.
Việc chất xếp hàng hoá trong các nhà kho, sân bãi sẽ thuận tiện và có hiệu quả cao khi các loại hàng hoá được bao gói thích hợp với việc ứng dụng cơ giới hoá trong bốc xếp, với các hình dáng, độ bền vững thích hợp và kỹ thuật chất xếp hợp lý, có thể xếp được chồng hàng cao hơn, dung lượng chứa đựng nhiều hơn. Điều đó cũng có nghĩa diện tích, chiều cao nhà kho và các thiết bị chứa đựng (giá, bục để hàng) được tận dụng triệt để hơn.
 
Để cho quá trình bốc dỡ, vận chuyển, giao nhận được thuận tiện, an toàn, chính xác và hiệu quả; sử dụng tối đa công suất nhà kho và thiết bị chứa đựng, cần quan tâm đến yếu tố chất lượng bao bì. Kích thước bao bì cần được tiêu chuẩn hoá, kết cấu bao bì phải bền chắc, phải “khoẻ’ để chịu đựng được các lực bốc xếp; có ký mã hiệu hướng dẫn vận chuyển, bốc xếp (mã số bao bì, phiếu bao gói nơi đến, nơi xuất phát, sức chứa, các ký hiệu an toàn, tránh lăn đẩy, tránh mưa, tránh nắng, quy định xếp hàng... đặc biệt với các hàng độc hại, nguy hiểm, dễ vỡ...). Bao gói hàng hoá phải theo đúng quy phạm để hạn chế tối đa hư hỏng sản phẩm do va chạm, rung sóc, sức nén khi thực hiện các nghiệp vụ trên.
 
Bao bì là một trong những phương tiện quan trọng thực hiện thông tin quảng cáo sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, là hình thức phục vụ văn minh khách hàng và trong buôn bán quốc tế.
 
Trong nền kinh tế hàng hoá, sản phẩm được sản xuất ra với số lượng vô cùng lớn với vô vàn quy cách chủng loại. Trong đống khổng lồ hàng hoá như vậy, người tiêu dùng sẽ lựa chọn như thế nào? Cái gì là tín hiệu đầu tiên để khách hàng tìm kiếm sản phẩm theo yêu cầu của họ? Đó chính là bao bì hàng hoá. Khách hàng dựa vào bao bì để tìm ra những sản phẩm mà họ cần.
 
Bao bì giúp cho người mua có cảm giác ban đầu đúng về sản phẩm bên trong. Thông qua các thông tin ghi trên bao bì, bao bì có khả năng giúp cho người mua nhận biết đầu tiên. Nó thu hút sự chú ý của người mua khi đi vào các gian hàng siêu thị. Bao bì mang đến cho họ sự kích thích về hàng hoá, làm tăng khả năng bán hàng của doanh nghiệp. Thông qua màu sắc, kiểu dáng và cách trình bày hàng hoá trong các gian hàng, qua các thông tin, ký mã nhãn hiệu ghi trên bao bì, bao bì đã tự nó giới thiệu hàng hoá. Tại các gian hàng không có cách nào khác đối với người mua lần đầu để tìm được hàng ngoại trừ bao bì hàng hoá hoặc đã có sự giới thiệu trực tiếp của nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng hay của những người đã mua trước.
 
Bao bì một loại sản phẩm nhất định trở thành ấn tượng quen thuộc của những người mua sắm thường xuyên, trở thành tiềm thức của mỗi khách hàng khi lựa chọn hàng hoá, để phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác, sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác.
 
Những thông tin chỉ dẫn sử dụng, bảo quản, vận chuyển... trên bao bì có ý nghĩa quan trọng với khách hàng. Một mặt bao bì thể hiện trình độ phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hoá và mặt khác bao bì cũng thể hiện được mối quan hệ khăng khít, mối quan tâm thiết thực, cụ thể của các nhà sản xuất kinh doanh đối với người tiêu dùng. Bao bì vừa thể hiện tính kỹ thuật, mỹ thuật vừa thể hiện tính văn hoá, xã hội, vừa vật chất, vừa tình cảm, vừa thương mại, vừa nghệ thuật. Điều đó thúc đẩy hành vi mua hàng của khách hàng. Giải quyết hiệu quả các băn khoăn do dự, các “bẫy” đối với khách hàng khi họ mua sắm hàng hoá. Người ta đã ví bao bì như “người bán hàng thầm lặng” đặc biệt trong các hình thức kinh doanh “tự phục vụ”, bán hàng tự chọn. Vai trò của người bán hàng ngày nay đã được thay thế bằng bao bì trong các siêu thị và các cửa hàng tự động. Chính những thông tin, các kiểu dáng với các hình thức màu sắc trang trí của bao bì đã làm cho bao bì có vai trò như một công cụ tạo ra sự hấp dẫn, tính tò mò, nảy sinh cảm xúc và từ đó tạo ra sự quảng bá sản phẩm rộng lớn. Điều đó sẽ đưa đến những sự thoả mãn cho khách hàng, gây ra những quyết định “bất chợt” nhanh chóng trong hành vi mua hàng của khách hàng.
 
Trong thương mại quốc tế, bao bì hàng hoá được xem là một tiêu chuẩn chất lượng quan trọng. ở các nước phát triển, khi hình thức bán hàng đã đạt tới trình độ cao thì chức năng bán hàng của bao bì rất được chú ý. Kéo theo đó những yêu cầu quảng cáo, thông tin của bao bì, cách bao gói, các ký mã hiệu, nhãn hiệu... cần phải tuân thủ các thông lệ quốc tế và luật pháp của các nước nhập khẩu. Bao bì được tiêu chuẩn hoá là tiếng nói chung của các quốc gia trong lĩnh vực lưu thông, buôn bán quốc tế. Nhờ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa các nước.
 
Bao bì là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ cho những nhân viên giao nhận, xếp dỡ, vận chuyển, bảo quản hàng hoá, bảo vệ sự trong lành của môi trường xung quanh.
 
Sản phẩm hàng hoá (đặc biệt là các sản phẩm độc hại, gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường) được bao gói bằng những bao bì thích hợp sẽ cách ly được các ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người lao động, đảm bảo môi trường lao động trong lành và bảo vệ môi trường xung quanh. Các sản phẩm dễ cháy, nổ nếu được bao gói đúng quy chuẩn và bảo quản trong điều kiện thích hợp sẽ đảm bảo được độ an toàn cao cho người lao động, cho các loại phương tiện khi tiến hành giao nhận, xếp dỡ, vận chuyển. Vì vậy, trong kinh doanh thương mại, ngoài việc sử dụng các vật liệu bao bì phù hợp với đặc điểm kỹ thuật, tính chất cơ, lý, hoá học của sản phẩm để chứa đựng, bao gói, còn cần phải thực hiện các tiêu chuẩn hoá về ghi ký mã, nhãn hiệu hàng hoá, các ký hiệu chỉ dẫn các nghiệp vụ xếp dỡ, vận chuyển, điều kiện bảo quản các loại hàng hoá nhất là với các loại hàng thuộc nhóm độc hại nguy hiểm. Bao bì ngăn cản tác động có hại của hàng hoá, bảo đảm sự trong lành của môi trường.


Top
Hỗ trợ 24/7
Kinh doanh 1
0948967777
Kinh doanh 2
0912764385